CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ 4
VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI HỘI NHẬP KINH TẾ
QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM
THE FOURTH INDUSTRIAL REVOLUTION: IMPLICATIONS
FOR VIETNAM'S INTERNATIONAL INTEGRATION
Nguyễn Hoài Nam[1]
Mr. Nguyen Hoai Nam
Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế
Deputy Director General
Bộ Ngoại giao
Ministry of Foreign Affairs
I. NHẬN DIỆN CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ 4
1. Bối cảnh ra đời Cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Lịch sử loài người đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp tương ứng với 3 mốc phát triển đột phá của khoa học-công nghệ. Cách mạng công nghiệp đầu tiên diễn ra vào cuối thế kỷ 18 với sử dụng máy móc cơ khí hơi nước. Cách mạng công nghiệp thứ hai bắt đầu cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 với dây chuyền sản xuất hàng loạt sử dụng điện năng. Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 bắt đầu vào những năm 1970 với các thiết bị điện tử, công nghệ thông tin và internet. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp này đều thúc đẩy năng suất tăng vượt bậc, làm thay đổi căn bản nền sản xuất và bộ mặt kinh tế-xã hội thế giới.
Thuật ngữ "Công nghiệp 4.0" lần đầu tiên được đưa ra ở Đức năm 2011 tại Hội chợ Công nghệ Hannover. Đến năm 2012, được sử dụng đặt tên cho một chương trình hỗ trợ của Chính phủ Đức hợp tác với giới nghiên cứu và các hiệp hội công nghiệp hàng đầu của Đức nhằm cải thiện quy trình quản lý và sản xuất trong các ngành chế tạo thông qua "điện toán hóa". Từ đó đến nay, thuật ngữ "Công nghiệp 4.0" được sử dụng rộng rãi trên thế giới để mô tả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).
CMCN 4.0 ra đời trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều điểm đặc thù:
- Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh, thậm chí thay đổi căn bản mô hình phát triển của nhiều nước, hướng tới các mô hình phát triển cân bằng hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn. Các sức ép về an ninh năng lượng, môi trường thúc đẩy các nước đẩy mạnh đầu tư đi tìm các giải pháp công nghệ, tổ chức sản xuất-quản lý để tối ưu hóa quá trình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.
- Nhiều nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ và phương Tây, suy yếu sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc và các nền kinh tế đang nổi trỗi dậy mạnh mẽ trong và sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, thúc đẩy mạnh chuyển dịch tương quan sức mạnh kinh tế toàn cầu, thậm chí thách thức và cạnh tranh vị thế hàng đầu của phương Tây trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp chế tạo. Trung Quốc lần lượt vượt Nhật Bản năm 2006, Mỹ năm 2010 về sản lượng chế tạo, trở thành "công xưởng" lớn nhất thế giới. Hầu hết các khâu gia công, chế tác công nghiệp đã được di chuyển đến Trung Quốc và các nền kinh tế đang nổi do lợi thế chi phí lao động thấp; tỷ trọng công nghiệp-chế tạo ở các nước công nghiệp ngày càng giảm và mất dần lợi thế cạnh tranh. Do đó, các nước công nghiệp phát triển đứng trước sức ép rất lớn phải tái cơ cấu kinh tế để giành lại sản xuất và việc làm cũng như vị thế dẫn dắt trong các ngành công nghệ cao.
- Già hóa dân số, lực lượng lao động giảm làm suy yếu tăng trưởng tiềm năng, xói mòn năng lực cạnh tranh của các nước công nghiệp phát triển và một số nền kinh tế đang nổi. Để duy trì sức cạnh tranh, buộc các nước này phải đầu tư mạnh vào phát triển khoa học công nghệ nhằm bù đắp bất lợi về nhân khẩu học và thiếu hụt lao động. Chỉ có đột phá công nghệ mới có thể đạt được mức năng suất đủ để giữ hoặc nâng cao chất lượng cuộc sống khi dân số già hóa nhanh.Đây chính là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự ra đời của CMCN 4.0.
Biểu 1: Dự báo các mốc thời gian có đột phá công nghệ đến năm 2030
- Công nghệ mô ghép. - Giao diện mới. - Dữ liệu lớn.Hiện diện số |
Lưu trữ dự liệu |
Robot và dịch vụ |
- IoT - Internet di động - Ứng dụng in 3D vào chế tạo
|
- Máy tính ở mọi nơi - Ứng dụng in 3D vào y tế - Nhà kết nối |
- Ứng dụng in 3D vào sản xuất hàng tiêu dùng - Kinh tế chia sẻ |
- Ô tô không người lái - Thành phố thông minh |
- Tiền kỹ thuật số (bitcoin) và công nghệ blockchain |
Nguồn: WEF (2015), Deep shift: Technology tipping points and social impacts
- Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là đột phá trong một số lĩnh vực công nghệ "thông minh" như kỹ thuật số, tự động hóa, công nghệ về kết nối, dữ liệu, in 3D…, vừa là động lực, vừa tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho tiến hành cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo dự báo của WEF, sẽ có nhiều đột phá lớn về công nghệ xảy ra trong khoảng giữa thập niên 2020 như công nghệ robot, ứng dụng rộng rãi in 3D, dữ liệu lớn, internet kết nối sự vật (IoT)… (xem Biểu 1). Đây chính là những công nghệ nền tảng và trung tâm của cách mạng công nghiệp mới, tạo nên diện mạo mới của đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu.
2. Tính chất của CMCN 4.0
2.1. Hiểu thế nào về CMCN 4.0?
Hiện có hai luồng ý kiến đánh giá về CMCN 4.0. Có luồng ý kiến cho rằng thực tế chưa có CMCN 4.0, sự phát triển một số công nghệ mới gần đây chỉ là sự tiếp nối và kéo dài CMCN lần thứ 3. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng CMCN 4.0 đã xuất hiện với những tính chất khác hẳn các cuộc CMCN trước đây, đang và sẽ làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng[2].Nếu CMCN 4.0 đã hình thành, vậy thực chất cuộc cách mạng này là gì?Có đặc điểm gì khác các cuộc CMCN trước đây?
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), CMCN 4.0dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Có 2 xu hướng làm thay đổi công nghệ số: (i) Chi phí giảm thúc đẩy lan tỏa rộng rãi công nghệ; (ii) Kết hợp nhiều loại hình công nghệ số và hội tụ công nghệ số với các công nghệ khác[3]. Ví dụ, kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối Internet vạn vật (IoT)[4] đang thúc đẩy phát triển máy móc tự động hóa và hệ thống sản xuất thông minh.
OECD cho rằng ba công nghệ nền tảng của CMCN 4.0 là dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối Internet vạn vật. Dựa trên ba công nghệ này, thế giới đang nghiên cứu và phát triển các công nghệ ứng dụng mới như công nghệ in 3D, máy móc tự động hóa và tích hợp con người-máy móc là những động lực chính thúc đẩy tăng năng suất công nghiệp. Ví dụ, công nghệ kết nối Internet vạn vật làm cho các vật dụng, thiết bị trở nên thông minh hơn như việc thiết bị, máy móc trong nhà máy được kết nối với nhau sẽ tạo điều kiện để ứng dụng các rô-bốt mới.
Từ những nhận định và tiếp cận nói trên của OECD, có thể khái quát thực chất của CMCN 4.0 là tái tổ chức lại nền sản xuất trên cơ sở tích hợp sử dụng các công nghệ mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin (hệ thống thực-ảo, kết nối internet sự vật-IoT, điện toán đám mây, dữ liệu lớn…) vào sản xuất, cung ứng dịch vụ và kinh doanh.
2.2. Tính chất của CMCN 4.0
-Thông minh hóa sản xuất (smart): Công nghiệp 4.0 tập trung vào quy trình sản xuất thông minh để tạo ra sản phẩm thông minh trong một nhà máy (công xưởng) thông minh (smart factory). Nếu máy hơi nước đặc trưng cho CMCN lần thứ nhất mở ra thời đại công nghiệp cơ khí, thì nhà máy thông minh là yếu tố then chốt của CMCN 4.0 mở ra thời đại "công nghiệp thông minh"[5]. Trong môi trường công nghiệp thông minh, các nhà máy thông minh được kết nối với các dịch vụ thông minh như tiếp vận thông minh, lưới điện thông minh, vận tải thông minh… tạo thành mạng lưới/ chuỗi sản xuất thông minh.
Mô hình nhà máy thông minh được tự động hóa hoàn toàn sẽ không còn công nhân đứng cạnh máy móc, dây chuyền như trong phương thức sản xuất cũ.Những công việc liên quan tới sản xuất trực tiếp được thay thế bằng người máy thông minh. Do đó, làm việc tại các văn phòng sẽ toàn là nhà thiết kế, kỹ sư, chuyên gia IT, logistics, nhân viên marketing… Thậm chí nhờ sự kết nối cao trên nền tảng công nghệ internet, với nhiều công việc, người ta có thể làm việc tại nhà thay vì phải đến văn phòng, nhà máy (xem Hình 1).Một cách khái quát, trong các cuộc CMCN trước đây, con người làm việc như máy móc và theo máy móc, thì trong CMCN 4.0, máy móc sẽ làm việc như con người, tức là tiến tới "thông minh hóa" như người.
Hình1: Nhà máy thông minh là trung tâm của CMCN 4.0
Nguồn: Stefan Heng, Deutsche Bank Research, (2014), Industry 4.0: Upgrading of Germany's industrial capabilities on the horizon.
-Tích hợp cao (integration): CMCN 4.0 sử dụng hàng loạt các công nghệ mới trong một môi trường tích hợp cao, tạo nên các chuỗi giá trị có sự gắn kết ở mức độ rất cao:
+ Theo chiều dọc, tích hợp tất cả các khâu, công đoạn sản xuất dọc theo chuỗi giá trị;
+ Theo chiều ngang, tích hợp tất cả các yếu tố sản xuất cần thiết (con người, máy móc, nguyên liệu…) vào một khâu/ công đoạn sản xuất;
+ Dòng thông tin số xuyên suốt chuỗi giá trị. Phương thức sản xuất truyền thống là chế tạo từng bộ phận, linh kiện riêng lẻ ở những nơi sản xuất khác nhau, rồi tập trung lại để lắp ráp với nhau. Trong CMCN 4.0, người ta có thể sản xuất tất cả bộ phận, linh kiện tại một nơi nhờ công nghệ in 3D, robot… Với sự tích hợp cao, CMCN 4.0 "dồn nén" chuỗi giá trị-sản xuất cả về không gian và thời gian, tạo nên cách mạng về cách thức con người tạo ra của cải, vật chất.
- Linh hoạt cao (flexibility): Đặc trưng của sản xuất công nghiệp trong CMCN 4.0 là đặc định hóa cao sản phẩm trong môi trường sản xuất có độ linh hoạt rất cao, thể hiện ở 3 khía cạnh:
+ Nhờ tính tích hợp cao, nơi sản xuất đặt tại thị trường tiêu thụ nên có thể phản ứng nhanh nhạy với thay đổi nhu cầu;
+Công nghệ tự động hóa phát triển cao cho phép áp dụng các phương pháp "tự tối ưu hóa", "tự cấu hình", "tự kiểm tra, theo dõi", nên có khả năng thích ứng rất cao khi có những biến đổi về yêu cầu sản xuất;
+ Mọi nhu cầu của khách hàng đều được lưu trữ và xử lý nhờ công nghệ dữ liệu lớn (big data); các dữ liệu về nhu cầu của khách hàng được kết nối với sản xuất bằng điện toán đám mây, hệ thống thực-ảo, do đó sản xuất có thể phản ứng nhanh với thay đổi nhu cầu.
Hình 2: Mô hình kinh doanh mới
Nguồn: Stefan Heng, Deutsche Bank Research, (2014), Industry 4.0: Upgrading of Germany's industrial capabilities on the horizon.
- Thân thiện với môi trường (environment friendly): Cốt lõi của CMCN 4.0 là sử dụng tích hợp các công nghệ mới trên nền tảng kết nối internet, và đây đều là những công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và nhiên liệu (ví dụ, lưới điện thông minh cho phép giảm tối đa thất thoát điện khi tải điện), giảm thiểu, thậm chí không có khí thải.
II.TÁC ĐỘNG ĐA CHIỀU CỦA CMCN 4.0
CMCN 4.0 đang ở giai đoạn khởi phát với nhiều công nghệ của tương lai mới trong thời kỳ nghiên cứu và phát triển. Phần lớn công nghệ nền tảng của CMCN 4.0 được dự báo sẽ có đột phá và ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống từ giữa thập niên 2020 trở đi (xem Biểu 1). Do đó, còn sớm để đánh giá đầy đủ tác động của CMCN 4.0. Xuất phát từ chiều hướng phát triển của CMCN 4.0 hiện nay, có thể thấy một số tác động sau đây ở tầm vĩ mô.
1. Tác động đến tương quan sức mạnh toàn cầu.
Trong và sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, xu hướng chuyển dịch cán cân kinh tế thế giới từ Tây sang Đông (Bắc Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương), Bắc xuống Nam (các nước phát triển sang các nước đang nổi và đang phát triển) được đẩy nhanh hơn do Mỹ và phương Tây suy yếu trong khi các nền kinh tế đang nổi trỗi dậy mạnh mẽ. Chỉ trong 5 năm sau khủng hoảng, các nền kinh tế đang nổi đã thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển mà lẽ ra phải mất 1-2 thập kỷ.
Chuyển dịch cán cân kinh tế thế giới sang hệ thống đa cực hơn là một xu thế khách quan, song tiến triển của xu thế này còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố. Nhiều tổ chức quốc tế nhận định dưới tác động của CMCN 4.0, quá trình chuyển dịch tương quan sức mạnh kinh tế giữa các quốc gia trong những năm tới sẽ gập ghềnh và phức tạp hơn thời gian qua. Cụ thể:
- Một số nước phát triển (như Mỹ, Đức…) đang có vị thế thuận lợi để dẫn dắt CMCN 4.0 bởi những nước này là nơi khởi phát CMCN 4.0 và đang đầu tư mạnh vào các lĩnh vực công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0. Nếu CMCN 4.0 diễn ra thành công như các dự báo hiện nay, thì từ khoảng giữa thập niên 2020 các nước phát triển sẽ có động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện sức cạnh tranh. Sức mạnh chính trị-kinh tế sẽ thuộc về những nước sáng tạo và làm chủ các công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0, chứ không phải các nước sở hữu nhiều tài nguyên và lao động. Vì vậy, nếu các nước đang phát triển không tranh thủ được CMCN 4.0, thì khoảng cách với các nước phát triển sẽ dãn rộng hơn.
- Thời gian qua, các nền kinh tế đang nổi đã thu hẹp đáng kể khoảng cách với các nước phát triển về quy mô kinh tế (mặt lượng), nhưng khoảng cách về khoa học-công nghệ và chất lượng thể chế (mặt chất) vẫn còn lớn. Nếu các nền kinh tế đang nổi không cải cách sâu rộng về thể chế kinh tế, xã hội để tạo dựng nền kinh tế có hiệu quả, khuyến khích đổi mới và sáng tạo, thì khó có thể đuổi kịp các nước phát triển. Theo Tập đoàn tư vấn PwC, giới doanh nghiệp sẽ không bỏ qua các thị trường "cốt lõi" ở Bắc Mỹ và châu Âu bởi đây vẫn sẽ là những trung tâm quan trọng của CMCN 4.0 và kinh tế toàn cầu trong nhiều năm tới.
2. Đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển sang kinh tế tri thức - thông minh.
Các thành tựu mới của khoa học-công nghệ đều được ứng dụng hội tụ để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý, tiêu dùng như hạ tầng thông minh, xây dựng thông minh, dây chuyền thông minh, sản phẩm thông minh, quản trị thông minh... Trong nền kinh tế tri thức-thông minh, nguồn lực phát triển quan trọng nhất là tri thức, nhân lực có năng lực thích ứng và sáng tạo công nghệ. Nền kinh tế nào sở hữu nhiều tri thức, nhân lực chất lượng cao sẽ giành ưu thế lớn trong cạnh tranh toàn cầu.
Với sự phát triển của số hóa sản xuất, tài nguyên thiên nhiên, lao động phổ thông chi phí thấp ngày càng mất dần lợi thế; sản xuất dịch chuyển dần từ các nước/vùng có nhiều lao động kỹ năng phổ thông và tài nguyên sang những nước/vùng có nhiều lao động chuyên môn cao (thiết kế, chuyên gia IT, logistics…) và gần thị trường tiêu thụ. Nhiều nước, kể cả các nước phát triển và đang phát triển, cố gắng tìm cách chuyển sang phương thức tăng trưởng dựa vào sáng tạo công nghệ. Do đó, nhiều nền kinh tế đang nổi, đặc biệt là Trung Quốc, đang nỗ lực chuyển đổi mô hình phát triển từ dựa vào tài nguyên-lao động chi phí thấp sang dựa vào động lực chính là đổi mới công nghệ và sáng tạo.
3. Làm thay đổi tư duy và tổ chức lại các chuỗi sản xuất-giá trị
Với tính tích hợp và linh hoạt cao, CMCN 4.0 xóa mờ dần ranh giới giữa các khâu/ công đoạn và quy trình sản xuất, đặc biệt là các khâu thiết kế, gia công, lắp ráp sản phẩm chế tạo. Cuộc cách mạng này làm thay đổi căn bản cách thức con người tạo ra sản phẩm, từ đó tạo nên "cách mạng" về tổ chức các chuỗi sản xuất- giá trị.
Trong phương thức sản xuất truyền thống, nhà máy được chuyển đến những nơi có chi phí lao động thấp để lắp ráp các linh kiện, chi tiết.Nhưng trong CMCN 4.0, chi phí nhân công và các khâu/ công đoạn gia công, lắp ráp ngày càng ít quan trọng.Các khâu lắp ráp dần dần có thể được thay thế hoàn toàn bởi người máy khi phát triển đột phá về công nghệ người máy cho phép ứng dụng rộng rãi người máy thông minh hơn và chi phí thấp hơn.Thực tế giá bình quân người máy hiện nay chỉ bằng một nửa so với năm 1990 nhưng có tốc độ xử lý nhanh và độchính xác cao hơn nhiều. Ví dụ, một robot có giá 20.000 USD hiện nay có thể lắp ráp 30.000 chiếc Iphone/năm, như vậy giả định robot hết khấu hao trong một năm thì chi phí lắp ráp một chiếc Iphone chỉ khoảng 66 cent[6]. Một chi phí thấp đến mức khó có lao động giản đơn nào có thể cạnh tranh được.
Trong lĩnh vực chế tạo truyền thống, các dây chuyền sản xuất thường được đặt ở Trung Quốc và các nước đang phát triển có lao động chi phí thấp. Song với công nghệ người máy thông minh và in 3D, các dây chuyền sản xuất đang và sẽ chuyển dần (re-shoring) về các nước công nghiệp phát triển, không phải vì giá nhân công tăng lên, mà vì các tập đoàn đa quốc gia muốn đưa sản xuất về gần với khách hàng để có thể phản ứng nhanh hơn với thay đổi nhu cầu. Như vậy, cuộc CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi tư duy sản xuất-đầu tư từ tìm nơi sản xuất có lao động chi phí thấp sang nơi có thị trường rộng lớn và công nghệ cao.
Hệ quả của việc biến chuyển tư duy này là làm thay đổi căn bản cấu trúc và cách thức tổ chức chuỗi sản xuất- giá trị, kéo theo thay đổi dòng đầu tư, thương mại quốc tế.Dòng thương mại quốc tế hiện nay chủ yếu là xuất khẩu linh kiện-bán thành phẩm từ các nước công nghiệp phát triển sang Trung Quốc và các nước có lao động chi phí thấp để lắp ráp rồi sau đó xuất khẩu thành phẩm ngược trở lại các nước công nghiệp phát triển. Trong tương lai, tầm quan trọng của dòng thương mại này sẽ giảm dần trong thương mại quốc tế bởi sản xuất dần chuyển về các nước công nghiệp phát triển. Theo dự báo của tập đoàn Boston Consulting Group, các lĩnh vực như vận tải, sản xuất máy tính, hợp kim và máy móc hiện đang chiếm 10-30% giá trị nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc có thể sẽ được sản xuất hoàn toàn ở Mỹ vào năm 2020.
4. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động-xã hội
CMCN 4.0 thúc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động ở nhiều nước. Đang xuất hiện ngày càng đông đảo tầng lớp/ giai cấp sáng tạo (creative class) trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, thiết kế, nghệ thuật, văn hóa, giải trí, truyền thông, giáo dục-đào tạo, y tế, pháp luật… Nhiều nước có tầng lớp sáng tạo hiện chiếm trên 40% lực lượng lao động như Luxembourg (54%), Singapore (47%), Thụy Sỹ (47%), Ireland (45%), Úc (45%), Thụy Điển (45%), Hà Lan (44%), Canada, Anh (44%)[7]… Cùng với sự phát triển của CMCN 4.0 và kinh tế sáng tạo, lao động sáng tạo ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong lực lượng lao động xã hội,đặt ra vấn đềnhìn nhận lại vai trò của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội hiện đại, đặc biệt là giai cấp công nhân và tầng lớp trí thức.
Hiện đang có nhiều ý kiến tranh luận về tác động của CMCN 4.0 đến vấn đề việc làm. Tuy nhiên, cũng có dự báo cho thấy CMCN 4.0 trong trung và dài hạn sẽ tác động trực tiếp và nhiều nhất đến các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động kỹ năng thấp (lắp ráp, dịch vụ…) do lao động dần được thay thế bởi tự động hóa, rô-bốt thông minh. WEF dự báo công nghệ mới sẽ thay thế khoảng 7,1 triệu lao động trên thế giới từ nay đến năm 2020. Tổ chức lao động quốc tế(ILO) dự báo khoảng 56% việc làm ở Đông Nam Á có khả năng bị thay thế bởi công nghệ trong hai thập kỷ tới.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằngtác động của công nghệ đến việc làm trên thực tế đến nay không lớn như kỳ vọng.Theo nghiên cứu của OECD, chỉ khoảng 9% việc làm ở các nước OECD có thể được tự động hóa, 30% việc làm đòi hỏi kỹ năng mới. Trước mắt, thất nghiệp có thể sẽ tăng ở mức độ nào đó do một số ngành sản xuất giản đơn (ví dụ cơ khí lắp ráp, dệt...) có thể không còn tồn tại, nhưng về tổng thể và lâu dàiít khả năng xảy ra thất nghiệp trên diện rộng. Rủi ro mất việc từ tiến bộ công nghệ có giới hạn nhất định vì: (i) Ứng dụng công nghệ mới là một quá trình, trong đó gặp phải cả những trở ngại về pháp lý và xã hội; (ii) Bản thân người lao động có khả năng điều chỉnh khi thay đổi công nghệ; (iii) Công nghệ mới sẽ tạo ra việc làm mới, mặc dù việc làm cũ có thể mất đi.
Như vậy, dù tranh luận ở những góc độ khác nhau, nhưng các ý kiến nói trên có nhận định chung là: (i) Trong CMCN 4.0, vai trò của lao động giản đơn và chi phí thấp sẽ giảm mạnh; (ii) Cần đào tạo lại lao động hiện có để thích ứng với công nghệ mới và phát triển lao động sáng tạo (talent).
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM
Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang chuyển sang một giai đoạn mới với cấp độ cao hơn và sâu rộng hơn. Bên cạnh nghĩa vụ hoàn tất các cam kết của WTO và các FTA trong khuôn khổ ASEAN, trong giai đoạn tới Việt Nam sẽ bước vào thực thi các cam kết xây dựng Cộng đồng ASEAN và các FTA thế hệ mới với nhiều cam kết tiêu chuẩn cao chưa từng có. Cùng với nhiều yếu tố khác, CMCN 4.0 đang và sẽ tác động sâu sắc và đa chiều đến đời sống chính trị- kinh tế trên thế giới.Những biến chuyển này của môi trường quốc tế đặt ra những vấn đề đối với hội nhập kinh tế quốc tế.
1. Về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ, kinh tế tri thức và sự biến chuyển trong các chuỗi giá trị toàn cầu đang tạo ra thời cơ mới cho Việt Nam hội nhập sâu hơn và hiệu quả hơn vào kinh tế thế giới. Sự phát triển thần kỳ của các nước NIC ở Đông Á đều bắt nguồn từ việc sớm tiếp cận và đi thẳng vào Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 ngay khi bắt đầu khởi phát vào đầu thập niên 1970. Việc thế giới mới bắt đầu khởi phát CMCN 4.0 là cơ hội rất quý giá để Việt Nam tiến thẳng vào các lĩnh vực công nghệ mới, tranh thủ thành tựu CMCN 4.0 để đẩy nhanh hơn tiến trình CNH, HĐH và thu hẹp khoảng cách phát triển. Tuy nhiên, tính chất và bối cảnh phát triển của CMCN 4.0 hoàn toàn khác với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, nên cách tiếp cận CMCN 4.0 cũng phải khác với trước đây. Nhiều nước NIC và Trung Quốc đã thành công trong chiến lược công nghiệp hóa dựa vào xuất khẩu và thu hút đầu tư FDI. Nhưng mô hình công nghiệp hóa này sẽ gặp nhiều thách thức lớn nếu CMCN 4.0 thành công khi sản xuất-chế tạo trong tương lai sẽ quay trở lại các nước công nghiệp phát triển. Do đó, các nước công nghiệp hóa sau như Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếutheo đuổi mô hình công nghiệp hóa dựa vào xuất khẩu và FDI. Do đó, CMCN 4.0 đặt ra nhiều vấn đề đối với tiến trình CNH, HĐH mà nếu không xử lý tốt thì không thể hội nhập hiệu quả.
Thứ nhất, Việt Nam hiện đang tiến hành CNH dựa vào xuất khẩu và FDI thâm dụng lao động có kỹ năng thấp. Trong bối cảnh CMCN 4.0, mô hình CNH, HĐH này có còn phù hợp với Việt Nam nữa không? Nếu xuất khẩu và FDI thâm dụng lao động không còn là động lực chính nữa, thì sẽ chọn yếu tố gì làm động lực chính cho CNH, HĐH ở Việt Nam?
Thứ hai, muốn tranh thủ được CMCN 4.0, trước hết cần đặt phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước vào dòng chảy CMCN 4.0. Do đó, vấn đề đặt ra là Việt Nam sẽ mạnh dạn đầu tư đi thẳng vào những ngành/ lĩnh vực gì của CMCN 4.0 để bắt nhịp với dòng chảy cuộc cách mạng này?
2. Có cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển, nhưng nguy cơ tụt hậu xa hơn cũng lớn.
CMCN 4.0 sử dụng nhiều công nghệ mới và đang ở giai đoạn khởi phát, nên các nước gần như "bình đẳng" về cơ hội khi bắt đầu đi vào cuộc cách mạng này. Do đó, các nước đang phát triển như Việt Nam có thể đi thẳng vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới do các công nghệ này không phụ thuộc vào công nghệ cũ, nhờ đó có thể rút ngắn khoảng cách phát triển. Thực tiễn phát triển trên thế giới cho thấy, những nước sớm tận dụng được công nghệ mới sẽ phát triển mạnh mẽ, trong khi những nước chậm nắm bắt sẽ bị tụt hậu.
Việc tham gia các FTA thế hệ mới được kỳ vọng tạo thêm cơ hội thuận lợi để tiếp cận, lựa chọn nguồn vốn đầu tư chất lượng cao với cam kết lâu dài, gắn với công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến với những lợi ích lan tỏa đáng kể từ các trung tâm, nền kinh tế hàng đầu thế giới để đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Bên cạnh đó, các FTA thế hệ mới góp phần tạo động lực mạnh mẽ để đổi mới toàn diện đất nước. Thông qua thực thi các FTA mới, thể chế kinh tế thị trường ở nước ta ngày càng hoàn thiện, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, lao động, học tập và sức sáng tạo của doanh nghiệp và người dân. Đây là yếu tố rất quan trọng để thích ứng với tiến bộ công nghệ.
Tuy nhiên, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn cũng đặt ra thách thức rất lớn về đổi mới, cải cách trong nước. Nếu không quyết liệt tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đi đôi với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường năng lực khoa học - công nghệ, nguy cơ tụt hậu là rất lớn. Chậm đổi mới ngày nào, Việt Nam không chỉ bỏ lỡ thời cơ của CMCN 4.0, mà có thể sẽ gánh chịu hệ quả tiêu cực của cuộc cách mạng này như: (i) Sa lầy ở vị trí bất lợi trong phân công lao động quốc tế mới đang hình thành; (ii) Hứng chịu hệ lụy của làn sóng di chuyển các ngành/ công nghệ cũ, tiêu hao nhiều năng lượng và không thân thiện với môi trường ra bên ngoài do nhiều nước đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới công nghệ.
Như vậy, cần có nghiên cứu sâu, đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện tác động của hội nhập kinh tế sâu rộng, nhất là việc thực hiện các FTA thế hệ mới, trong bối cảnh CMCN 4.0, để tranh thủ tối đa cơ hội, vượt qua thách thức của CMCN 4.0 để phát triển nhanh và bền vững hơn.
3. Thách thức và yêu cầu cao đối với phát triển nguồn nhân lực
CMCN 4.0 đặt ra nhu cầu cao về lao động có khả năng thích nghi và sáng tạo công nghệ, hay nói cách khác cần "tài năng" nhiều hơn là "kỹ năng". Lao động kỹ năng thấp sẽ còn lợi thế và chịu nhiều tác động bất lợi. Mặc dù, đang có nguồn nhân lực trẻ dồi dào, song chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn hạn chế. Năng suất lao động của Việt Nam còn khoảng cách xa so với khu vực và thế giới. Năm 2012, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn Singapore 14,5 lần, Nhật Bản 8,5 lần, Hàn Quốc 7 lần, Thái Lan 2,9 lần[8]. Giả định duy trì tốc độ tăng năng suất lao động trung bình như giai đoạn 2007 - 2012 thì phải đến năm 2038 Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines, đến năm 2069 mới bắt kịp Thái Lan[9].
Cùng với sự phát triển của CMCN 4.0, nhiều ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động giản đơn (dệt may, lắp ráp…) trong trung và dài hạn sẽ chịu nhiều rủi ro bị thu hẹp. Nếu chỉ dựa vào lao động kỹ năng giản đơn, Việt Nam sẽ không thể bắt kịp với CMCN 4.0. Đây vừa là sức ép lớn, song cũng vừa là cơ hội để quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục- đào tạo Việt Nam nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng nhanh với công nghệ mới, cũng như có năng lực sáng tạo công nghệ. Đây chính là một yếu tố then chốt đối với phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
[1] Nội dung tham luận là kết quả tổng hợp, nghiên cứu của tác giả, không phản ánh quan điểm của cơ quan tác giả công tác.
[2] Klaus Schwab (2015), Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
[3] Đánh giá của các chuyên gia OECD tại Hội thảo "Cuộc cách mạng sản xuất mới" do Bộ Ngoại giao phối hợp với OECD tổ chức, tại Hà Nội, ngày 16/6/2016.
[4]Có thể hiểu là mọi vật dụng được kết nối với nhau trong môi trường Internet.
[5]Stefan Heng (2014), Industry 4.0: Upgrading of Germany's industrial capabilities on the horizon.
[6] John Lee, Disrupting Asia, tạp chí The National Interest, tháng 5-6/2015, tr.53-54.
[7] Martin Prosperity Institute (ĐH tổng hợp Toronto): Global Creativity Index 2015.
[8] Viện Năng suất Việt Nam, Báo cáo năng suất Việt Nam năm 2014.
[9] Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Báo cáo về thực trạng năng suất lao động Việt Nam, năm 2015.